Việt Nam Mối đe dọa đối với rùa biển

Một con rùa biển bị bắt trộm

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có mối nguy hiểm đe dọa đến rùa biển cao nhất thế giới, đẩy các loài rùa biển của quốc gia này đến bờ vực tuyệt chủng[8]. Việt Nam đang có quần thể rùa biển quý giá bao gồm 5 loài, hiện đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Rùa biển là sinh vật trải qua nhiều sinh cảnh và hệ sinh thái khác nhau trong quá trình di cư phát triển và sinh sản, vì vậy mà sự vắng mặt của rùa biển sẽ làm cho đa dạng sinh học nhiều vùng bị suy giảm. Rùa biển được coi là một trong những chỉ số về sự khỏe mạnh của môi trường biển. Trước đây rùa biển được phân bố hầu hết trên các vùng biển của nước ta với mật độ cao, hiện nay cả năm loài rùa biển của Việt Nam đều suy giảm đáng kể về số lượng.

Đơn cử như loài đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea) vào đầu thế kỷ 20 loài này có số lượng nhiều nhất Việt Nam. Tuy nhiên đây cũng là loài bị khai thác nhiều để làm thức ăn. Đến năm 2002, số lượng Đồi mồi dứa suy giảm xuống dưới 40 cá thể trong một mùa sinh sản và khu vực có Đồi mồi dứa lên đẻ chỉ còn tại đảo Quan Lạn (Quảng Ninh) và bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) (Hamann et al. 2006). Hiện tại, khu vực bán đảo Sơn Trà đã hoàn toàn không còn dấu vết của chúng, đặc biệt là sau khi xây dựng con đường chạy xung quanh đảo và các khu nghỉ dưỡng, khách sạn trên các bãi cát chính của bán đảo như bãi Nam, bãi Tre. Đồi mồi chỉ còn được phát hiện tại một số bãi biển không có người sinh sống như hòn Nứt Đất (Quảng Ninh) và bãi biển thuộc tỉnh Quảng Trị, với số lượng rất nhỏ[3].

Tại Việt Nam, những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với rùa biển ở Việt Nam là ngư dân đánh bắt một cách tình cờ và vô tình rùa dính lưới (được gọi là đánh bắt không chủ ý) và trực tiếp bắt các con cái đang làm tổ và lấy trứng của chúng. Những nguyên nhân gây ra mối đe dọa lớn nhất cho rùa biển là từ các tàu đánh cá bằng lưới kéo tầng đáy, lưới rê, nghề câu kiều và các thợ lặn bắt giáp xác và nhuyễn thể. Đánh bắt không chủ ý gây ra ít nhất một nghìn trường hợp rùa bị chết hàng năm. Việc bắt rùa và trứng của chúng từ các bãi biển là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm số lượng làm tổ. Hầu hết những bãi biển mà trước đây có ghi nhận sự xuất hiện của tổ rùa thì giờ đây đã hoàn toàn biến mất[14].

Từ lâu, rùa biển vẫn luôn bị săn bắt để lấy thịt, trứng, mai và da, chỉ cần một phiên đi biển săn rùa trái phép, mỗi ngư dân có thể trúng gần trăm triệu đồng, hoạt động mua bán loại động vật quí hiếm này vẫn lén lút diễn ra, đe doạ sự tận diệt loài rùa đang từng ngày cạn kiệt. Hiện nay các đầu nậu thu mua rùa biển luôn liên kết chặt chẽ với các chủ tàu lặn bắt rùa biển. Đầu nậu khuyến khích mở rộng khai thác rùa bằng cách đầu tư hàng tỷ đồng vào những con tàu của ngư dân. Vì rùa biển là món hàng siêu lợi nhuận nên khi bị nạn, các chủ tàu tiếp tục tìm cách sắm tàu khác săn rùa biển. Vài năm trước đây, ngư dân ra khơi khai thác rùa biển không phải là nghề chuyên nghiệp. Ra khơi, trúng con nào thì coi như là may mắn, phần ăn, phần mang về bán, phụ thêm tiền xăng dầu. Còn giờ đây, nhiều người đã đổ xô chuyên đi lặn bắt đồi mồi, rùa biển. Họ coi đó như là một nghề hái ra tiền[10].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mối đe dọa đối với rùa biển http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/rua-bi-xe-do... http://vietnam.panda.org/what_we_do_vi/bao_ton_loa... http://thiennhien.org/tin-ve-thien-nhien-va-bao-to... http://baoquocte.vn/5-loai-rua-viet-nam-dang-co-ng... http://culaochammpa.com.vn/index.php?option=com_co... http://dantri.com.vn/xa-hoi/rua-bien-viet-nam-co-n... http://www.kinhtenongthon.com.vn/Rua-bien-dang-dun... http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/khoa-hoc-giao-d... http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/item/22468102-ph... http://enternews.vn/rua-bien-dang-dung-truoc-nguy-...